Theo Clifford and Cook (2002) Chỉ tiêu và chu kỳ kiểm tra theo dõi sức khỏe tôm cần được thực hiện gồm:
1. Hàng ngày kiểm tra ao tôm vào mỗi buổi sáng: kiểm tra sự hiện diện của tôm chết, sự hiện diện của chim cò xung quanh ao hay trên mặt ao, đánh giá hàm lượng oxy thiếu hay đủ, thức ăn dư thừa, hiện tượng tảo tàn. Tôm nổi đầu, tấp mé, chim bắt mồi tôm là những dấu hiệu cho thấy ao tôm có thể đang thiếu oxy, chất lượng nước xấu hoặc ao tôm đang nhiễm bệnh. Nếu kiểm tra thấy hàm lượng oxy hòa tan vẫn nằm trong giới hạn cho phép, thì nên thu tôm kiểm tra sự hiện diện của các mầm bệnh nguy hiểm. Cố gắng loại bỏ các tôm bệnh, chết để tránh trường hợp lây nhiễm bệnh cho các tôm khác.
2. Hàng ngày kiểm tra lượng thức ăn sử dụng: Quan sát thấy lượng thức ăn sử dụng cho tôm trong ngày còn thừa là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy có khả năng tôm trong ao đang nhiễm bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện tượng tôm bỏ ăn có thể là do nhiều nguyên nhân: số lượng tôm trong ao giảm, tôm không khỏe vì nhiễm bệnh hay do điều kiện môi trường nước không tốt. Trong bất kỳ trường hợp nào, điều chỉnh giảm lượng thức ăn là cần thiết để tránh tình trạng ô nhiễm đáy ao tôm. Sàng ăn là một trong những công cụ giúp quản lý giám sát lượng thức ăn hàng ngày trong ao tôm. Nhiều bệnh tôm nguy hiểm như bệnh đốm trắng có thể được phát hiện thông qua việc phát hiện xác tôm chết trong sàng ăn.
3. Hàng tuần kiểm tra sự tăng trưởng của tôm
4. Hàng tuần kiểm tra số lượng tôm trong ao (xác định tỉ lệ sống)
5. Hàng tuần kiểm tra sức khỏe tôm và dấu hiệu bất thường của tôm trong ao nuôi để có hướng xử lý kịp thời
Mẫu tôm dùng trong kiểm tra tăng trưởng và số lượng tôm có thể dùng để kiểm tra sức khỏe, dấu hiệu bệnh lý, đánh giá tình trạng sức khỏe của ao tôm. Theo dõi đánh giá sức khỏe tôm có thể dựa vào các quan sát cụ thể sau:
- Lượng thức ăn trong ruột tôm: Kiểm tra lượng thức ăn trong ruột tôm giúp đánh giá tình trạng sức khỏe ao tôm (Hình 1A). Mỗi con tôm kiểm tra sẽ được đánh giá bằng hệ thống điểm cụ thể: lượng thức ăn trong ruột tôm chiếm 80% chiều dài ruột sẽ ghi nhận 2 điểm; 10- 20% ghi nhận 1 điểm và dưới 10% ghi nhận 0 điểm. Tính số điểm trung bình trên tổng số tôm kiểm tra, nếu kết quả ≤1,6 cho thấy tôm trong ao có khả năng đang nhiễm bệnh (bệnh đốm trắng, hội chứng Taura… ) hoặc cho ăn không đủ nhu cầu tôm.
Bên cạnh đó, màu sắc của ruột tôm cũng là một trong những kiểm tra cung cấp thông tin quan trọng giúp cho quá trình phát hiện bệnh trong ao tôm (Bảng 1)
Bảng 1: Màu sắc ruột tôm và những nguyên nhân liên quan
Màu sắc ruột tôm |
Thức ăn trong ruột tôm |
Nguyên nhân |
Đen, nâu đen |
Sinh vật đáy, bùn |
Cho ăn thiếu |
Vàng nhạt hoặc vàng sáng |
Thức ăn công nghiệp |
Bình thường |
Đỏ, hồng |
Xác tôm chết |
Có tôm bệnh trong ao |
Xanh lá |
Tảo đáy |
Cho ăn thiếu |
Tái, trắng đục |
Không có thức ăn (trạng thái bệnh) |
Trùng hai tế bào hoặc một số bệnh khác (*) |
(*) Trong hệ thống nuôi tôm kết hợp có sử dụng cám hoặc các nguồn carbohydrate khác làm thức ăn thì ruột tôm cũng có thể có màu trắng.
Mang đóng rong và đổi màu: Mang có nhiều sinh vật bám (nguyên sinh động vật, vi khuẩn dạng sợi, tảo…) sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng thẩm thấu và hoạt động hô hấp, dẫn đến tôm bị thiếu oxy. Dấu hiệu rõ ràng cho thấy mang tôm bị tổn thương là sự biến đổi màu sắc mô mang. Do vậy quan sát mang tôm cần được thực hiện. Mang tôm có màu nâu hoặc đen là do một trong những nguyên nhân: sinh vật bám, hiện tượng melanin hóa do vi khuẩn gây hoại tử, phản ứng melanin hóa với độc tố trong môi trường nước, kết tủa của ion, bùn hay chất vẩn trong môi trường. Mang tôm bẩn do bùn hay chất vẩn có thể dễ dàng phát hiện thông qua việc nhúng và lắc nhẹ tôm trong môi trường nước sạch. Trường hợp mang tôm nhiễm các nhóm sinh vật bám thì cần lưu ý đến tôm sinh trưởng chậm (không lột xác) (Hình 1B), vật chất hữu cơ trong nước quá nhiều. Tỉ lệ tôm bị đen mang có thể chấp nhận được trong ao tôm là 5% (Hình 2A).
- Hiện tượng vỏ có đốm đen:Những đốm đen trên vỏ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, như nhóm vi khuẩn Vibrio, Taura syndrome virus (TSV), những tổn thương vật lý (Hình 2B) (Lightner, 1996). Tôm nhiễm TSV mãn tính cũng có dấu hiệu đốm đen trên vỏ. Những đốm đen do vi khuẩn Vibrio gây ra với nguyên nhân khởi phát do chất lượng nước xấu, thường không gây chết tôm nếu như nó không làm tổn thương vỏ quá sâu vào bên trong phần cơ thịt tôm. Trong ao tôm, tỉ lệ vỏ tôm có đốm đen có thể chấp nhận được ở mức 5-10% trong chu kỳ nuôi, nhưng cần nhỏ hơn 2% vào giai đoạn thu hoạch tôm.
- Thay đổi màu sắc phụ bộ và sắc tố: Màu sắc phụ bộ và sắc tố thay đổi thường là do tôm nhiễm vi-rút hoặc vi khuẩn. Ví dụ tôm nhiễm TSV hay WSSV thường có phần chân đuôi (uropods) chuyển sang màu đỏ, sắc tố lan rộng. Cơ thịt tôm có màu hồng tái là dấu hiệu sớm cho thấy tôm nhiễm WSSV. Chân bơi và chân bò có sắc tố đỏ, đây thường là dấu hiệu cho thấy tôm nhiễm TSV hoặc nhiễm khuẩn Vibrio. Trong ao tôm, dấu hiệu chân bơi hoặc chân bò có sắc tố đỏ liên quan đến bệnh tôm. Do vậy, tỉ lệ chân bơi và chân bò của tôm có sắc tố đỏ phải là 0%.
Ngoài ra, điều kiện nền đáy ao xấu sẽ làm cho chân bơi hoặc chân bò có màu đen, nâu đen hoặc tái. Trong ao tôm, tỉ lệ 15% là có thể chấp nhận được trong giai đoạn sắp thu hoạch tôm.
- Hiện tượng tôm mềm vỏ: Ngoài giai đoạn lột xác định kỳ, vỏ tôm mềm thường liên quan đến các tác nhân gây bệnh đốm trắng, hội chứng Taura, hoặc đôi khi do thiếu khoáng chất. Trong ao tôm, tỉ lệ tôm bị mềm vỏ có thể chấp nhận được ở mức 5% trong chu kỳ nuôi, nhưng cần nhỏ hơn 2% vào giai đoạn thu hoạch tôm.
- Hiện tượng tôm cong thân: Tôm cong thân là hiện tượng cho thấy tôm có thể bị tác động bởi các yếu tố như sốc do nhiệt độ cao, nhiễm khuẩn Vibrio, mất cân bằng khoáng chất, độc tố trong môi trường ao nuôi. Tỉ lệ tôm bị cong thân có thể chấp nhận được trong ao tôm là ≤5% (Hình 3A).
- Hiện tượng đục cơ: Đục cơ là một trong những dấu hiệu bệnh lý có thể liên quan đến nhân tố sốc do hoạt động chài lưới đánh bắt hoặc do nhiễm vi-rút (Infectious myonecrosis virus - IMNV). Tỉ lệ tôm bị đục cơ có thể chấp nhận được trong ao tôm là khoảng 2% (Hình 3B).
- Hiện tượng phồng dộp: Đuôi tôm, mang tôm hoặc các chân bơi có dấu hiệu phồng dộp, hiện tượng này được ghi nhận là do nhóm vi khuẩn Vibrio gây ra. Trong ao tôm, tỉ lệ tôm bị phồng dộp có thể chấp nhận được chỉ ở mức 5% (Hình 4A)
- Hiện tượng tôm biến dạng: Sự bất thường về hình dạng và không đầy đủ các bộ phận cơ thể (chủy mòn, mất răng chủy, râu quăn queo, lệch đuôi, lệch chủy, giáp đầu ngực sưng phồng…) đây là một trong những dấu hiệu liên quan đến sự nhiễm vi-rút (Infectious hypodermal and hematopoietic necrosis virus - IHHNV). Những biến dạng này có thể là do những tác động vào giai đoạn lột xác của tôm. Trong ao tôm, tỉ lệ tôm bị biến dạng có thể chấp nhận được là trong khoảng 5% (Hình 4B).
- Kiểm tra thời gian đông của máu tôm: Bên cạnh một số yếu tố vật lý, sự hiện diện vi khuẩn trong máu tôm được cho rằng sẽ kéo dài thời gian đông đặc máu tôm. Do vậy, kỹ thuật kiểm tra thời gian đông đặc của máu tôm ở hiện trường sẽ giúp đánh giá sự nhiễm khuẩn của tôm. Cụ thể, rút vài giọt máu tôm bằng kim tiêm và trải lên lam kính, ghi nhận thời gian đông đặc của máu tôm. Thông thường máu tôm khỏe sẽ đông đặc trong vòng 10 – 30 giây, nếu thời gian ghi nhận dài hơn có thể cho thấy tôm đang nhiễm khuẩn ví dụ như vi khuẩn Vibrio.
Trong nuôi tôm, tùy theo phương thức sản xuất khác nhau mà thức ăn tự nhiên và thức ăn nhân tạo chiếm vị trí khác nhau. Trong hình thức nuôi quảng canh, thức ăn tự nhiên là quan trọng, nhưng khi nuôi tôm với hình thức bán thâm canh hoặc thâm canh thì thức
Nông dân tỉnh Cà Mau trúng đậm mùa tôm nuôi trái vụ, theo đó có trên 500 hộ dân ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân thu nhập từ 50 triệu đồng/vụ/hộ vào cuối mùa, giá tôm nguyên liệu cũng tăng đáng kể.
83/4A KBT 83, QL.13, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Copyright © 2014 - 2024 VietNhat Co., Ltd. - Thiết kế và phát triển bởi KhaLa.