Cá
Cá
Cá
Cá
Cá
Cá
Tôm
Tôm
Tôm
Tôm
Ngày đăng: 15/08/2015  

Phương pháp quản lý cho ăn trong ao nuôi tôm

Trong nuôi tôm, tùy theo phương thức sản xuất khác nhau mà thức ăn tự nhiên và thức ăn nhân tạo chiếm vị trí khác nhau. Trong hình thức nuôi quảng canh, thức ăn tự nhiên là quan trọng, nhưng khi nuôi tôm với hình thức bán thâm canh hoặc thâm canh thì thức ăn nhân tạo thay thế dần cho thức ăn tự nhiên. Trình độ thâm canh càng cao thì thức ăn nhân tạo càng giữ vai trò chủ lực trong sinh trưởng phát triển của tôm nuôi.

Chi phí thức ăn chiếm đến 50-70% tổng chi phí sản xuất trong nuôi tôm thâm canh (Rumsey, 1993). Sử dụng thức ăn chất lượng tốt và phù hợp góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, lợi nhuận sẽ càng được cải thiện hơn nếu như việc cho tôm ăn được quản lý và kiểm soát một cách chặt chẽ trong suốt quá trình nuôi.

Quản lý cho ăn trong ao nuôi tôm bao gồm các khâu chủ yếu: quản lý lượng thức ăn cho ăn hàng ngày, số lần cho ăn và cách cho ăn.

Lượng thức ăn cho tôm ăn hàng ngày

Lượng thức ăn cho tôm ăn hàng ngày mang ý nghĩa quan trọng trong sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế và góp phần chống ô nhiễm môi trường ao nuôi. Nên cho tôm ăn thừa hay thiếu so với nhu cầu dinh dưỡng của chúng?  

Cho tôm ăn thừa có thể thúc đẩy tôm tăng trưởng trong thời kỳ phát triển ban đầu khi tôm đang còn ở giai đoạn sinh trưởng mạnh, đặc biệt khi chất lượng nước vẫn còn tốt. Tuy nhiên, khi tôm không sử dụng hết lượng thức ăn thì chất thải hữu cơ thức ăn thừa tích tụ gây ra hơn 60% các vấn đề nguy hiểm trong ao nuôi tôm và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tôm nuôi. Theo Soraphat Panakorn (2011), nếu hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) là 1:1 thì cứ cho vào ao 100 kg thức ăn sẽ có đến 70 kg chất thải (thức ăn thừa, phân tôm...). Thức ăn thừa tích tụ ở đáy ao là nguyên nhân gây bùng phát khí độc, đặc biệt khi mà hàm lượng oxy hòa tan (DO) giảm hoặc khi tảo phát triển quá mức trong ao.

Cho tôm ăn thiếu thức ăn trong thời gian dài sẽ làm tôm chậm lớn do thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển, hạn chế khả năng lột vỏ của tôm. Thiếu thức ăn kéo dài còn làm cho tôm tranh giành thức ăn lẫn nhau dẫn đến hiện tượng phân đàn mạnh. Tuy nhiên nếu sử dụng lượng thức ăn chỉ ít hơn 10% so với nhu cầu dinh dưỡng của tôm hoặc không cho ăn một vài lần trong một thời gian nhất định sẽ không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, đồng thời còn giúp giữ chất lượng nước tốt hơn. Phương châm được người dân ở Thái Lan áp dụng trong nuôi tôm là: "Tôm không chết do đói mà chết do thừa thức ăn". 

Cho tôm ăn

Vì vậy, luôn cẩn thận trong việc xác đinh lượng thức ăn cần sử dụng cho tôm ăn, nhiều nhà kỹ thuật lựa chọn phương thức cho tôm ăn thiếu một chút cho dù tốc độc tăng trưởng hàng ngày của tôm có chậm chút ít. Người nuôi cần chú ý, thận trọng kiểm tra và xác định các trường hợp cụ thể để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp trước khi tôm mất đi sự thèm ăn và thức ăn thừa gây ô nhiễm ao nuôi. Giải pháp tốt nhất là cho tôm ăn theo nhu cầu, góp phần làm cho tôm nuôi khoẻ mạnh và giảm được sự lo lắng cho người nuôi. "Cho tôm ăn theo nhu cầu có nghĩa là cần phải dựa trên tập tính của con tôm để cho tôm ăn phù hợp. Hầu hết các sai lầm mà chúng ta mắc phải là chúng ta suy nghĩ cho tôm ăn theo cách của con người, chứ không phải của con tôm." (Tạp chí nuôi trồng thủy sản Châu Á, tháng 3-4/2011)

Tôm là loài ăn chậm nên thỏa mãn việc cho tôm ăn là khó và có lẽ không thể đạt được. Một số nhà sản xuất cho tôm ăn dựa theo kinh nghiệm của những vụ nuôi trước. Để tăng hiệu quả việc cho ăn, một số người nuôi tôm cố gắng tính toán hoạt động bắt mồi trong ao; họ đặt các khay cho ăn trong ao và số lượng thức ăn còn lại trong khay 1 giờ, 2 giờ sau khi cho ăn sẽ quyết định lượng thức ăn cho ăn vào ngày tiếp theo nên tăng hay giảm. Một số người lấy một vốc bùn đáy ở khu vực cho tôm ăn để tìm thức ăn sót lại hoặc mùi hôi thối của thức ăn thối rữa. Những người nuôi tôm kinh nghiệm hơn có thể quan sát thói quen bơi của tôm dọc theo bờ 1 hoặc 2 giờ sau khi cho ăn để biết tôm đã ăn đủ hay chưa. Các bảng hướng dẫn tỷ lệ cho ăn đã được các Công ty sản xuất thức ăn khuyến cáo và in sẵn trên bao bì thức ăn. Đây có thể xem như những hướng dẫn để tính lượng thức ăn cần sử dụng trong ngày nếu như có thể ước tính được khối lượng tôm trong ao nuôi. Khối lượng tôm trong ao nuôi được tính bằng trọng lượng trung bình/con nhân với số lượng tôm còn sống trong ao.

Một số vấn đề cần chú ý trong điều chỉnh lượng thức ăn sử dụng nuôi tôm hàng ngày một cách phù hợp: i) Tôm giảm ăn khi hàm lượng DO <4 mg/l và ngưng ăn khi <2 mg/lít. Nhiệt độ nước thích hợp nhất cho tôm bắt mồi là từ 28 - 30oC; Khi nhiệt độ giảm 2oC thì lượng thức ăn nên giảm 10% so với lượng thức ăn trung bình. Nếu DO và nhiệt độ nước chưa thích hợp thì nên chờ ánh sáng mặt trời chiếu xuống ao ít nhất 1 giờ rồi mới cho tôm ăn bữa ăn đầu tiên trong ngày do thời điểm này hàm lượng DO là lý tưởng nhất (Soraphat Panakorn, 2011); ii) Theo dõi cường độ bắt mồi của tôm hàng ngày và hàng cữ cho ăn để điều chỉnh kịp thời; iii) Theo dõi tiến độ lột xác của tôm để điều chỉnh giảm trong giai đoạn lột xác và tăng sau khi tôm lột xong; iv) Sự ăn mạnh hoặc yếu của tôm xảy ra một cách đột ngột có thể là một dấu hiệu bệnh lý. Khi kiểm tra thức ăn không còn trong nhá (vó, sàng ăn), điều đó không hoàn toàn có nghĩa là tôm ăn tốt mà có thể đó là dấu hiệu cho thấy "điều bất thường" và cần phải được tìm hiểu cặn kẽ; v) Chài tôm là biện pháp theo dõi thức ăn (cũng như kiểm tra tôm) tốt nhất, mỗi ao chài từ 4 đến 8 vị trí, các vị trí nên cố định cho các lần chài, chài trước khi cho ăn 30 phút, kiểm tra ruột tôm, nếu cả ruột tôm có màu thức ăn, thức ăn đang bị dư, nếu ruột tôm vừa có màu thức ăn và màu bùn đen, thức ăn cho đủ, còn nếu toàn bộ ruột tôm màu đen là biểu hiện của việc thiếu thức ăn. Tăng hay giảm thức ăn được điều chỉnh vào ngày hôm sau đúng vào bữa ăn mà hôm trước chài kiểm tra, làm như vậy cho tất cả các bữa ăn sẽ tính được lượng ăn chính xác cho từng bữa.

Số lần cho tôm ăn/ngày

Số lần cho ăn ảnh hưởng rất lớn đến FCR, tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi. Xác định số lần cho ăn cần căn cứ vào hình thức nuôi, khả năng quản lý, nguồn nhân lực và đặc tính ăn của đối tượng nuôi. Theo Piper (1982), tăng số lần cho ăn làm giảm khả năng bị đói, còi cọc, tăng đồng đều kích cỡ.

Do tôm ăn chậm và liên tục nên cần cho ăn nhiều lần trong ngày. Trong điều kiện thí nghiệm, tần suất cho ăn tối ưu đối với tôm sú (P. monodon)giống là 3 lần/ngày (Lim và Pascual, 1979). Có thể hạn chế tối đa sự tan rã thức ăn và việc mất các chất dinh dưỡng hòa tan trong nước bằng cách cho ăn nhiều lần trong ngày hơn là cho ăn 1 lần trong ngày.

Cho tôm ăn

Tại Thái Lan, nhiều người nuôi áp dụng số lần cho tôm ăn là 3,5 lần trong một ngày. Bữa ăn cuối trong ngày (vào ban đêm) chỉ bằng 30 - 50% so với lượng thức ăn trung bình. Nhìn chung, nên chia thức ăn trong ngày ra nhiều lần, tháng thứ nhất từ 2 - 3 lần, các tháng sau từ 4 – 5 lần là phù hợp để tôm có thể sử dụng hết lượng thức ăn, tránh lãng phí và giảm thiểu khả năng gây ô nhiễm môi trường.

Cần chú ý là thời gian mà thức ăn nằm lại trong ruột tôm thay đổi theo nhiệt độ nước ao. Khi nhiệt độ nước tăng cao, tôm ăn nhanh hơn và bài tiết nhanh hơn so với nhiệt độ thấp. Do vậy, cần kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn mỗi lần ăn bằng cách cho ăn theo bảng hướng dẫn khi trời nóng và nên kéo dài khoảng cách giữa các lần cho ăn khi trời lạnh.

Phương pháp cho tôm ăn

Không như cá, tôm thường khu trú cố định và không bơi đi xa để bắt mồi; Do vậy, việc phân phối thức ăn khắp đều trên mặt ao hoặc nơi tôm khu trú là rất quan trọng. Đồng thời, khi bơi tôm thường bơi ngược dòng nước, chính vì thế mà cần rải thức ăn theo dòng nước chảy. Nếu không rải đều thức ăn và theo dòng nước chảy, tôm sẽ không ăn hết và dẫn đến hiện tượng cỡ tôm không đồng đều, hệ số chuyển hóa thức ăn kém và chất lượng nước giảm rõ rệt.

Có thể điều khiển dòng nước chảy bằng các máy quạt nước sắp xếp theo hệ thống sao cho có thể gom chất thải vào giữa ao. Khu vực chất thải gom này được đánh dấu bằng tre hoặc phao để tránh việc rải thức ăn vào những vị trí này. Cũng nên tránh rải thức ăn vào nơi nước chảy yếu, nơi có nền đáy ao không được sạch.

Cho tôm ăn

Nên cho tôm ăn theo những giờ cố định, tránh thời gian môi trường nước không thuận lợi (từ 12 giờ khuya – 4 giờ sáng là thời gian lượng oxy hòa tan thấp nhất và từ 11 giờ 30 – 2 giờ chiều là thời gian nhiệt độ nước trên bề mặt ao cao nhất).

Khi chuyển cỡ thức ăn, không chuyển đột ngột mà chuyển chậm từ 5 – 7 ngày, tỷ lệ thức ăn cỡ nhỏ - cỡ lớn lần lượt là 7-3, 5-5, 3-7 rồi mới toàn cỡ lớn, khi cho ăn thì cho cỡ nhỏ trước, cỡ lớn sau, rải đều khắp ao, với ao mới thả, lượng thức ăn ban đầu tạm tính tương ứng 80% lượng tôm, sau đó điều chỉnh lại.

Phương pháp cho ăn phù hợp phụ thuộc vào quy mô nuôi và khả năng đầu tư. Đối với ao nhỏ có thể cho tôm ăn bằng tay, đối với các ao lớn thì có thể sử dụng bằng thuyền, máy thổi. Cho ăn thủ công bằng tay chỉ kéo dài trong vài giờ; theo bản năng sinh tồn tôm sẽ giành giật nhau thức ăn, con mạnh ăn nhiều, con yếu ăn được ít nên dễ dẫn đến tình trạng chênh lệch trọng lượng, phân đàn phân cỡ. Sử dụng máy cho tôm ăn trên diện rộng thì có thể cho tôm ăn nhiều lần trong ngày và rất đúng giờ. Việc cho ăn mỗi lần nhiều hay ít hoàn toàn có thể kiểm soát và điều tiết bằng chương trình cài đặt sẵn. Sử dụng máy làm giảm chi phí thức ăn, thức ăn được vung đều trong ao tăng cơ hội tôm ăn đồng đều nên làm giảm hiện tượng phân đàn. Máy cho ăn tự động có thể đồng thời thực hiện được “4 giảm (chi phí, giá thành, thức ăn, thời gian nuôi) và 1 tăng (độ đồng đều) cho sản phẩm”.

Tóm lại, quản lý thức ăn và cho ăn được thực hiện với nguyên tắc 4 định: định chất (loại thức ăn), định lượng (lượng thức ăn sử dụng hàng ngày), định thời gian (số lần cho ăn), định địa điểm (phương pháp cho ăn). Tùy mỗi giai đoạn của tôm đồng thời kết hợp với chú ý theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường, thời tiết, sức khỏe tôm… mà cần áp dụng 4 định một cách linh hoạt. Cho tôm ăn phù hợp, đủ lượng, đủ chất sẽ giúp tôm lớn nhanh, giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi và tăng lợi nhuận cho người nuôi.

Tác giả: TS. Ngô Hữu Toàn, Khoa Thủy sản, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế
Nguồn: Đại học Huế



Những bài liên quan
Biện pháp kiểm soát bệnh vi-rút trong ao nuôi tôm

Bệnh vi-rút trên tôm là một trong những bệnh có khả năng gây chết tôm hàng loạt và hiện nay chưa có biện pháp chữa trị hữu hiệu. Do vậy, các biện pháp được áp dụng để kiểm soát bệnh vi-rút trong ao tôm là rất cần thiết

Một số loài tảo phổ biến và biện pháp khắc phục tảo độc trong các ao nuôi tôm thâm canh

Một số loài tảo phổ biến và biện pháp khắc phục tảo độc trong các ao nuôi tôm thâm canh

Tầm quan trọng của oxy hòa tan trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Ngày nay, ngành công nghiệp nuôi tôm trên thế giới chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng. Sản lượng tôm sú giảm mỗi năm tương ứng với sự gia tăng sản lượng tôm thẻ. Một số nước còn nuôi tôm sú nhiều là Bangladesh, Việt Nam, Ấn Độ và Philippines. Các nước sản

Theo dõi quản lý sức khỏe tôm nuôi

Quản lý sức khỏe tôm nuôi là một trong những khâu cần thiết trong qui trình nuôi tôm thương phẩm. Theo dõi, quản lý sức khỏe tôm nuôi được thực hiện tốt sẽ giúp giảm thiểu tổn thất do tác hại của bệnh gây ra. Trong quá trình nuôi tôm, thường xuyên theo dõ

Tổng quan nuôi tôm thẻ chân trắng trên thế giới và Việt Nam

Tổng quan nuôi tôm thẻ chân trắng trên thế giới và Việt Nam



Tỷ giá ngoại tệ
Nguồn:

Công ty TNHH Thuốc thú y Thuỷ sản Việt Nhật

83/4A KBT 83, QL.13, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Copyright © 2014 - 2024 VietNhat Co., Ltd. - Thiết kế và phát triển bởi KhaLa.